“Cái khó ló cái khôn” – Bưu chính các nước thay đổi phương thức vận chuyển để duy trì mạng lưới bưu chính quốc tế trong đại dịch

04/05/2020   |   Đăng bởi Nguyễn Thành Nam

Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành bưu chính. Nhưng chính trong lúc khó khăn này khiến bưu chính phải đổi mới sáng tạo và tìm ra các hướng hợp tác mới giữa các nhà khai thác bưu chính với các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Khi nhiều nước trên toàn thế giới đã tuyên bố đóng cửa, máy bay chở khách bị hủy chuyến toàn bộ do đại dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nặng nề tới mạng lưới bưu chính quốc tế, bộ phận Chuỗi cung ứng của UPU đã đưa ra một kế hoạch giúp bưu chính các nước duy trì mạng vận chuyển bưu gửi.

Bộ phận Chuỗi cung ứng thuộc Ban nghiệp vụ khai thác bưu chính của Văn phòng quốc tế UPU chịu trách nhiệm trao đổi và làm việc cùng với các nhà khai thác bưu chính để đảm bảo cho luồng bưu gửi quốc tế duy trì hoạt động. Bộ phận này hỗ trợ các nhà khai thác bưu chính về các vấn đề hành chính, tư vấn pháp lý và thúc đẩy các hình thức vận chuyển khác nhau. Mặc dù hơn 90% nhà khai thác bưu chính sử dụng các máy bay chở khách để vận chuyển bưu gửi, tuy nhiên cũng có nhiều hình thức vận chuyển khác như vận tải đường bộ, hàng hải và đường sắt để chuyên chở hàng ngàn tấn bưu gửi tới khắp nơi trên thế giới.

Hoạt động trong khuôn khổ Văn kiện Béc–nơ liên quan tới mối quan hệ bưu chính giữa 192 nước thành viên Liên minh, các chuyên gia về chuỗi cung ứng của Văn phòng Quốc tế UPU không đưa ra các phán xét mà chỉ là các ý tưởng và lời khuyên về các quan hệ đối tác phù hợp. Không chỉ cho bưu chính các nước các phải hành động như thế nào mà đó chính là nhiệm vụ nhân viên bưu chính các nước – những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Mục tiêu của UPU là đưa ra một tầm nhìn quốc tế, khuôn khổ pháp lý, các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và khuyến khích bưu chính các nước hợp tác.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra toàn cầu, UPU đã thành lập một nhóm chuyên trách về nghiệp vụ (OCU) liên tục hoạt động để giám sát và theo dõi các phản hồi hàng ngày trên mạng lưới bưu chính quốc tế về đại dịch. Bộ phận này đã nhanh chóng xây dựng một loạt các hành động cụ thể để hỗ trợ các nhà khai thác bưu chính các nước thành viên. Ông Bousseta – giám đốc Ban Nghiệp vụ thuộc Văn phòng quốc tế UPU cho biết, Nhóm chuỗi cung ứng của UPU được yêu cầu liên hệ với các nhà khai thác bưu chính và các đối tác trong chuỗi cung ứng để cùng tìm ra những cách thức mới đảm bảo việc chuyển phát bưu gửi quốc tế được tiếp tục duy trì.

Ngày 26/3, UPU đã liên lạc với các nhà khai thác bưu chính đề nghị họ liên hệ với các nhà cung cấp vận tải mặt đất của mình và chia sẻ bất kỳ thông tin nào về khả năng vận chuyển có sẵn, bao gồm cả đường sắt, đường biển và đường bộ để đảm bảo duy trì nghĩa vụ phổ cập dịch vụ toàn cầu. Sau khi trao đổi và thảo luận, một loạt các sáng kiến và phương pháp vận chuyển mới trên đất liền, trên biển và trên không đã được đề xuất. Hợp tác với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), UPU đã khuyến khích chính phủ các nước nới lỏng các hạn chế và đẩy nhanh thủ tục kiểm tra, giám sát để duy trì vận tải hàng hóa đường hàng không bao gồm vận chuyển bưu phẩm, khi các chuyến bay hành khách bị hủy trên diện rộng. “UPU hoàn toàn ủng hộ chiến dịch này của IATA và yêu cầu chính phủ các nước nới lỏng hạn chế với các hãng vận tải hàng hóa và chúng tôi đang phối hợp với bưu chính các nước thành viên để triển khai sáng kiến này”, ông Bousseta nói.

Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tiên phong hưởng ứng sáng kiến này. Vietnam Post đã ký kết thỏa thuận với các nhà khai thác vận chuyển hàng hóa và các công ty tư nhân. Được sự chấp thuận của Cơ quan hàng không dân dụng Việt Nam, Vietnam Post đã ký hợp đồng thuê riêng chuyến với hãng hàng không Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, các chuyến hàng hóa, bưu gửi của Bưu điện Việt Nam được chất lên các khoang hành khách của Viet Nam Airlines vận chuyển từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Bưu điện Việt Nam có kế hoạch mở rộng và áp dụng sáng kiến này đối với các tuyến đường thư quốc tế để đảm bảo duy trì mạng lưới bưu chính quốc tế.

Ngày 12/4, chuyến tàu hỏa đầu tiên trên thế giới chỉ chuyên chở bưu phẩm và vật tư ý tế đã cập cảng Vilnius của Litva, mang theo gần 300 tấn hàng hóa. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan Bưu chính Trung Quốc, Litva và Ba Lan với các nhà khai thác đường sắt. Dự kiến khoảng 2.000 tấn bưu phẩm và hàng hóa sẽ được vận chuyển từ Trung Quốc tới các nước trên trong vòng hai tháng tới.

Các tuyến vận tải hàng hải cũng không bị lãng quên. Bưu chính Trung Quốc hiện đang hợp tác với công ty vận tải đường biển quốc tế Maersk để vận chuyển bưu phẩm quốc tế bằng tàu nhanh tới các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuyến đường vận chuyển này đã chuyển hơn 2.000 tấn bưu phẩm hàng hóa tính tới thời điểm này. Bưu chính Thái Lan cũng đóng chuyến thư bằng đường biển đến Cảng Los Angeles của Hoa Kỳ, và dự kiến sẽ cập cảng vào giữa tháng 5. Bưu chính Đan Mạch hiện đang đóng các chuyến thư bằng đường biển đến quốc đảo ở khu vực các nước Bắc Âu để duy trì dịch vụ do các chuyến bay bị hủy. Brazil và New Zealand cũng đang xem xét sử dụng các tuyến đường biển để chuyển phát thư và con số các nước sử dụng phương thức vận chuyển này đang tăng lên.

Ông Bousseta tin rằng sự sáng tạo của các nhà khai thác bưu chính và quyết tâm giữ cho tuyến đường thư được lưu thông là một dấu hiệu về khả năng phục hồi của ngành bưu chính cũng như khả năng hợp tác của họ. UPU luôn khuyến khích sự hợp tác như thế và đó là một dấu hiệu tích cực cho tương lai của ngành bưu chính, ông nói thêm.

(Theo vnpost.vn)

Khách hàng tiêu biểu

Báo và tạp chí

(ĐT: 0243.8254119)

Lịch và xuất bản phẩm

(ĐT: 0916091975)

Văn phòng phẩm

(ĐT: 0913815554)

Ngành hàng khác

(ĐT: 0368880452)